Chi cục Kiểm lâm vùng IV phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý động vật hoang dã, thực vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

12/07/2024

            Tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương có hệ sinh thái đa dạng, phong phú và là nơi cư trú của nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao. Việc quản lý, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã là nhiệm vụ quan trọng góp phần giữ gìn sự đa dạng của sinh học, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

            Trong bối cảnh ngày nay, việc quản lý và bảo vệ động vật, thực vật hoang dã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các cơ quan chức năng. Từ việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn đến việc nâng cao hiệu quả quản lý, để chủ động và thực hiện tốt công việc bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã ban hành văn bản số 144/KLV4-QLR ngày 19/6/2024 về việc kiểm tra, đôn đốc quản lý động vật rừng, thực vật rừng trên địa bản tỉnh lâm Đồng. Nhận thấy Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã phát triển nhiều hoạt động, trong đó tập trung vào công việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.

            06 tháng đầu năm 2024, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã ban hành và tham mưu cấp thẩm quyền 31 văn bản chỉ đạo liên quan hoạt động quản lý động vật rừng, thực vật rừng. Điển hình như văn bản số 13/KH-KL ngày 26/02/2024 về việc Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý động vật, thực vật hoang dã của các cơ sở nuôi, trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; văn bản số 275/KL-QLR ngày 16/5/2024 về việc thực hiện quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, trong tháng 6/2024 Chi cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Ban quản lý Dự án VFBC Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, Tổ chức WWF Việt Nam tổ chức tập huấn và ký bản cam kết chung tay bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) cho các cơ sở nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

             Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tổng 151 cơ sở nuôi ĐVHD, với tổng số cá thể 5.169/11 loài (Cấy vòi hương, Cầy vòi mốc, Nai, Rùa răng, Rùa đất lớn, Rùa cựa Châu phi, Cheo Cheo, Rắn ráo trâu, Rắn hổ mang, Trăn đất, Trăn gấm); 04 cơ sở trồng cấy nhân tạo TVHD, loài nuôi trồng chủ yếu là lan Hồ điệp lai/ Phaleanopsis Hybrid (Orchid).

          Về tình hình cấp, thu hồi mã số cơ sở nuôi động vật rừng, trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm: Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã cấp 10 mã số cơ sở nuôi động vật rừng cho 10 cơ sở; thu hồi 11 mã số cơ sở nuôi, trồng theo đề nghị của chủ cơ sở nuôi (theo khoản 4 Điều 18 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ).

          Về công tác tiếp nhận, cứu hộ động vật hoang dã: Trong năm 2024, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tuyên truyền, vận động, tiếp nhận và tham mưu cấp thẩm quyền thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân, phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản là động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước 04 trường hợp. Đến nay, 04 cá thể được tiếp nhận cứu hộ có 02 cá thể đã chết (01 cá thể Rùa Răng và 01 cá thể Tê Tê java) đang được bảo quản dưới hình thức làm tiêu bản, 02 cá thể còn sống hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật - VQG Cát Tiên.

          Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT (Văn bản số 2110/SNN-KL ngày 30/8/2023) trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 06/9/2023 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đồng thời, Chi cục Kiểm lâm cũng đã triển khai tới Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc triển khai thực hiện tại địa phương.

          Trong 6 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 28/6/2024), đã phát hiện 02 vụ vi phạm (có chủ), tang vật 08 cá thể động vật rừng (01 cá thể Nhím; 02 cá thể Cheo Cheo; 05 cá thể Cầy Hương) cân nặng 18 kg; xử lý 02 vụ, tịch thu 08 cá thể ĐVR (01 con sống, 07 con bị chết) cân nặng 18 kg; phạt tiền 14 triệu đồng; 01 cá thể Cầy Hương còn sống đã thả về môi trường tự nhiên và 07 cá thể chết tiêu hủy theo phương án đã được phê duyệt.

            Kết quả kiểm tra thực tế hiện trường cơ sở nuôi động vật hoang dã, về cơ bản tuân thủ đúng quy định pháp luật, công ty đang tiến hành làm thủ tục đăng ký mã trại nuôi, có bộ phận thú y theo dõi, chăm sóc sức khỏe, chích ngừa nhằm phòng chống dịch bệnh cho động vật và con người. Trong quá trình gây nuôi, công ty đã thực hiện mở sổ theo dõi hoạt động nuôi động vật hoang dã theo mẫu tại nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính Phủ.

Khu vực nuôi nhốt động vật hoang dã tại khu du lịch thác Bobla số 208, quốc lộ 20 xã Liên Đầm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

             Từ việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác quản lý động vật hoang dã, thực vật hoang dã trên địa bàn. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, cần có những biện pháp cụ thể và hiệu quả.

               Một trong những biện pháp quan trọng là cần tăng cường hợp tác giữa các chức năng cơ sở, tổ chức xã hội và cộng đồng trong công việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã. Qua đó, có thể tạo ra sự đồng thuận, chia sẻ trách nhiệm và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Ngoài ra, cần thiết phải thúc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ động vật, thực vật hoang dã. Việc tạo ra sự nhận thức cao về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật, thực vật hoang dã sẽ giúp cộng đồng tham gia tích cực hơn vào công việc này. Cuối cùng, cần thiết việc đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã. Chỉ khi có đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực, họ mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đạt được hiệu quả cao trong công tác quản lý động vật hoang dã, thực hiện vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng .

 Nguồn: Nguyễn Phi Hùng, Kiểm lâm viên phòng Quản lý bảo vệ rừng  - Chi cục Kiểm lâm vùng IV