Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi tăng cường phối hợp trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh

04/11/2016

Ngày 28/10/2016, Hạt Kiểm lâm các huyện Hoài Nhơn, An Lão (tỉnh Bình Định) và Hạt Kiểm lâm các huyện Ba Tơ, Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) phối hợp tổ chức sơ kết 01 năm thực hiện công tác bảo vệ rừng vùng giáp ranh nhằm đánh giá những kết quả đạt được; thuận lợi, khó khăn trong công tác phối hợp và đề ra những biện pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện.

Bình Định và Quảng Ngãi là hai tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có đường ranh giới chung khoảng 83 km, trải dài qua địa phận 04 huyện, thuộc địa bàn các xã: Ba Trang, Ba Lế, Ba Nam của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi giáp với các xã An Hưng, An Dũng, An Vinh, An Toàn của huyện An Lão, tỉnh Bình Định; xã Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Châu, Phổ Thanh của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi giáp với các xã Hoài Sơn, Hoài Châu Bắc và Tam Quan Bắc của huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Vùng rừng giáp ranh của hai tỉnh chủ yếu là rừng tự nhiên, là khu vực có nguồn tài nguyên rừng còn khá đa dạng và phong phú, đặc biệt trong vùng có Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn (Bình Định), khu rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Liệt Sơn (Quảng Ngãi). Vùng rừng giáp ranh giữa 02 tỉnh có địa hình phức tạp, đèo dốc hiểm trở, đi lại rất khó khăn nên công tác tuần tra, kiểm tra truy quét bảo vệ rừng và quản lý lâm sản gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, mặc dù công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh đã được Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh, chính quyền địa phương vùng giáp ranh hết sức quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc nhưng do giá cả các mặt hàng lâm sản trên thị trường tăng cao, áp lực về dân số và nhà ở làm cho nhu cầu sử dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng; tình trạng người dân thiếu công ăn việc làm vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng,… đã gây ra nhiều sức ép lên tài nguyên rừng, từ đó làm cho cuộc chiến bảo vệ rừng ở khu vực này ngày càng trở nên gian nan và khó khăn hơn nhiều.

Trước tình hình đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 250/QĐ-CCKL, ngày 06/4/2012, về việc ban hành “Quy chế phối hợp công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi”. Theo Quy chế đã được ký kết, các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, truy quét các vùng rừng giáp ranh để phát hiện, ngăn chặn các hoạt động phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản, động vật rừng trái với các quy định của Nhà nước. Trên cơ sở kết quả phối hợp bảo vệ rừng của các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2016. Ngày 28/10/2016, Hạt Kiểm lâm các huyện Hoài Nhơn, An Lão (tỉnh Bình Định) và Hạt Kiểm lâm các huyện Ba Tơ phối hợp tổ chức sơ kết 01 năm thực hiện công tác bảo vệ rừng vùng giáp ranh nhằm đánh giá những kết quả đạt được; thuận lợi, khó khăn trong công tác phối hợp và đề ra những biện pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện, kết quả cụ thể như sau:

1. Công tác tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp

Để triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đạt hiệu quả, cấp ủy, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm các huyện thường xuyên chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở trực tiếp đối với các bộ phận nghiệp vụ, Kiểm lâm địa bàn tăng cường các hoạt động về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản. Hàng năm đều xây dựng Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, định kỳ và đột xuất xây dựng Kế hoạch phối hợp với các lực lượng và tổ chức tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, nhất là những vùng rừng giáp ranh trong và ngoài huyện, tỉnh, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Do đó đã mang lại kết quả tích cực, các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng vùng giáp ranh được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, tạo tính răn đe, giáo dục cao đối với nhân dân sống trong vùng rừng giáp ranh.

2. Công tác trao đổi thông tin liên lạc

Từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2016, công tác phối hợp trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh giữa 04 huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực; lãnh đạo các Hạt Kiểm lâm và Kiểm lâm địa bàn các xã vùng giáp ranh thường xuyên trao đổi thông tin với nhau về tình hình bảo vệ rừng và vi phạm pháp luật ở vùng giáp ranh; phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và nhiều lần tổ chức họp, bàn bạc các biện pháp, giải pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh trên tinh thần đoàn kết, gắn bó, trách nhiệm.

3. Công tác tuyên truyền

Hạt Kiểm lâm 04 huyện chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương các xã có rừng vùng giáp ranh tổ chức tuyên truyền cho nhân dân trong vùng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các văn bản của Đảng, Nhà nước từ trung ương đến địa phương về công tác quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư các thôn, làng vùng giáp ranh.Kết quả cụ thể: Đã tuyên truyền được 95 buổi với 5.889 người tham dự; tổ chức được 02 đêm văn nghệ lồng ghép các nội dung tuyên truyền trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; 25 đợt tuyên truyền lưu động; tuyên truyền trực tiếp cho 90 chủ rừng; cấp phát 1.700 tờ rơi tuyên truyền bảo vệ rừng cho nhân dân; tổ chức ký 1.994 Bản cam kết về bảo vệ rừng; thường xuyên tu sửa các bảng tuyên truyền trực quan về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại vùng rừng giáp ranh.

4. Công tác tuần tra, truy quét và xử lý vi phạm

Từ ngày 01/10/2015 đến ngày 30/9/2016, Hạt Kiểm lâm các huyện phối hợp với chủ rừng, UBND các xã vùng giáp ranh tổ chức kiểm tra, truy quét vùng rừng giáp ranh giữa 02 tỉnh: Quảng Ngãi - Bình Định, được 342 đợt; đã phát hiện và lập biên bản 65 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, cụ thể:

- Số vụ đã xử lý: 32 vụ; số vụ chưa xử lý 33 vụ;

- Tang vật, phương tiện tịch thu: 41,104 m3 gỗ xẻ các loại, 300kg than hầm, 12 ster củi, 01 xe ô tô, 05 xe găn máy và 01 ghe.

- Tiền phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu: 295.482.000 đồng.

Kết quả thực hiện công tác phối hợp đã tạo động lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn vùng giáp ranh. Đồng thời, để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong công tác bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ, ngày 21 tháng 9 năm 2016, các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh đã tiến hành ký kết “Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản giữa các huyện Hoài Nhơn, An Lão, tỉnh Bình Định và Ba Tơ, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi”.

Hình. Hạt trưởng 04 Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh ký kết quy chế phối hợp

Quy chế phối hợp chính là sự kế thừa, duy trì và phát huy trách nhiệm bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản của các bên tham gia. Quy chế phối hợp khi triển khai thực hiện sẽ là cơ sở vững chắc để các đơn vị tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên liên hệ trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin và tổ chức hội nghị, họp bàn bạc để tìm các biện pháp, giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn các huyện vùng giáp ranh hai tỉnh.

Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa kết quả đạt được trong công tác phối hợp, trong thời gian tới, Hội nghị đã thống nhất đề xuất một số định hướng trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị vùng giáp ranh, cụ thể như sau:

1. Đổi mới và thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong cộng đồng dân cư, nhất là các thôn, làng có vùng rừng giáp ranh nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật bảo vệ rừng.

2. Nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với UBND các xã có vùng rừng giáp ranh.

3. Chủ rừng tăng cường trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích lâm phần của đơn vị mình quản lý; thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

4. Hạt Kiểm lâm các huyện cần tăng cường tham mưu cho Cấp uỷ và chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện phương án quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn; chủ động phối hợp với các ngành chức năng, hội đoàn thể, chủ rừng và UBND các xã ở khu vực giáp ranh. Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của chủ rừng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao.

5. Thường xuyên trao đổi thông tin về công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Hàng năm sơ kết đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp.

6. Chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho Chủ tịch UBND các xã ở vùng giáp ranh quản lý nhân dân của địa phương mình, không vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

7. Xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, đồng thời thông báo kết quả xử lý các vụ vi phạm cho nhau biết.

Qua kết quả thực hiện công tác phối hợp trong thời gian qua, cùng với “Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản giữa các huyện Hoài Nhơn, An Lão, tỉnh Bình Định và Ba Tơ, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi” vừa được các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh ký kết, có thể tin tưởng rằng hiệu quả công tác phối hợp hứa hẹn sẽ còn đem lại nhiều kết quả đáng kể hơn, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh rừng vùng giáp ranh hai tỉnh trong thời gian tới./.

Nguồn: Nguyễn Xuân Vũ - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định