CHI CỤC KIỂM LÂM TỈNH BÌNH ĐỊNH VÀ PHÚ YÊN TỔ CHỨC TỔNG KẾT KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG BẢO VỆ RỪNG NĂM 2015 VÀ 7 THÁNG ĐẦU NĂM 20216.

07/10/2016

Tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên có vùng rừng giáp ranh dài trên 50km thuộc địa bàn các xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu; xã Phú Mỡ, Xuân Lãnh, Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên và xã Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiệp huyện Vân Canh; xã Phước Mỹ, phường Bùi Thị Xuân, phường Ghềnh Ráng thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Vùng giáp ranh có vị trí xa khu dân cư, địa hình hiểm trở khó khăn cho công tác tuần tra, truy quét, quản lý, bảo vệ rừng. Khu vực này thường xảy ra các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển trái pháp luật các loại lâm sản và động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Những năm gần đây, mặc dù công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh đã được Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh hết sức quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc nhưng do giá cả các mặt hàng lâm sản trên thị trường tăng cao, áp lực về dân số và nhà ở làm cho nhu cầu sử dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng; tình trạng người dân thiếu công ăn việc làm vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng,… quy mô tuy không lớn nhưng âm ỉ kéo dài. Bên cạnh đó, một số bà con người dân tộc thiểu số do nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên đã phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép đã gây ra nhiều sức ép lên tài nguyên rừng, từ đó làm cho cuộc chiến bảo vệ rừng ở khu vực này ngày càng trở nên gian nan và khó khăn hơn nhiều.

Trước tình hình đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định và Phú Yên đã ban hành Kế hoạch phối hợp số 473/KHPH-KLPY-BĐ ngày 23/9/2013 giữa Chi cục Kiểm lâm Phú Yên và Chi cục Kiểm lâm Bình Định trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và kiểm tra, truy quét, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, chống người thi hành công vụ vùng giáp ranh hai tỉnh theo quy định tại Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ. Qua hơn 3 năm thực hiện Kế hoạch phối hợp số 473/KHPH-KLPY-BĐ tại địa bàn vùng giáp ranh đã đem lại những kết quả tích cực trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, kết quả này đã tạo động lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Vì vậy, để kịp thời đánh giá kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức thực hiện công tác phối hợp. Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định và Phú Yên đã tổ chức Hội nghị tổng kết kết quả thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng tại địa bàn vùng giáp ranh hai tỉnh trong năm 2015 và 7 tháng đầu năm 2016, hai chi cục đã thống nhất một số kết quả cụ thể như sau:

1. Công tác triển khai thực hiện Quy chế phối hợp

a) Trên cơ sở Quy chế phối hợp kiểm tra truy quét nạn phá rừng, khai thác gỗ và buôn bán trái phép lâm sản vùng rừng giáp ranh hai tỉnh của Ủy ban nhân dân hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh đã xác định các vùng trọng điểm thường xảy ra phá rừng, khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép; tiến hành xây dựng Kế hoạch phối hợp để triển khai các biện pháp bảo vệ rừng. Các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh hai tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, buôn bán và vận chuyển trái phép lâm sản.

b) Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh thường xuyên phối hợp thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh, Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp đã ký kết.

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh thường xuyên phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, các đơn vị chủ rừng có vùng giáp ranh tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tới mọi dân với nội dung và hình thức phong phú, phù hợp như: Tổ chức các buổi hội họp, các diễn đàn giao lưu tuyên truyền, hội nghị sơ kết, tổng kết và tổ chức cho nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng. Kết quả thực hiện trong năm 2015 và 7 tháng đầu năm 2016 đã tổ chức 22 buổi tuyên truyền với 1044 người tham dự, cụ thể:

- Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - thành phố Quy Nhơn và Hạt Kiểm lâm thị xã Sông Cầu đã phối hợp với chính quyền xã Xuân Lộc, Xuân Hải tổ chức 06 buổi tuyên truyền với 372 lượt người tham dự;

- Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh và Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân đã phối hợp với các ngành có liên quan, UBND các xã vùng giáp ranh tổ chức 16 buổi tuyên truyền với 672 lượt người tham dự.

3. Công tác kiểm tra, truy quét

Các hạt kiểm lâm đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản, động vật hoang dã ở vùng giáp ranh. Kết quả thực hiện trong năm 2015 và 7 tháng đầu năm 2016 cụ thể như sau:

a) Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định và Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên:

- Phát hiện, lập hồ sơ 01 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng: Tạm giữ tang vật, phương tiện gồm: 0,132 m3 gỗ xẻ nhóm V, 520 kg than hầm, giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tuần tra truy quét 01 đợt tại tiểu khu 376 xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh (Khu vực giáp ranh giữa xã Canh Hiệp với xã Đa Lộc huyện Đồng Xuân): Phá hủy 08 lò than hầm đang hoạt động trái phép, tiêu hủy tại rừng 3.000 kg than hầm.

b) Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước – TP. Quy Nhơn và Hạt Kiểm lâm thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên

Phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, truy quét tại tiểu khu 363B, xã Phước Mỹ, phường Bùi Thị Xuân (TP. Quy Nhơn), giáp ranh với tiểu khu 7, xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu). Kết quả: Phá hủy 20 lò than hầm, 10 ster củi và 4.000 kg than hầm.

4. Công tác xử lý vi phạm

Từ năm 2015 đến tháng 7/2016, đã phát hiện và lập biên bản, xử lý 10 vụ vi phạm. Cụ thể:

- Hạt Kiểm lâm Vân Canh và Hạt Kiểm lâm Đồng Xuân phối hợp tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý 05 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật: Phạt tiền 49.550.000 đồng và tịch thu 1.740 kg than hầm, 2,057 m3 gỗ tròn các loại; 26,00 ster bộ phận thực vật rừng ngoài gỗ (được quy đổi tương đương 18.200 kg), 05 xe ô tô tải (giao Hạt Kiểm lâm Vân Canh xử lý).

- Hạt Kiểm lâm Sông Cầu phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP. Quy Nhơn tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện lập biên bản và xử lý 05 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng tại vùng giáp ranh (Trong đó: 04 vụ khai thác và 01 vụ vi phạm thủ tục hành chính). Lâm sản, phương tiện tịch thu gồm: 7,455 m3 gỗ keo lá tràm, 2,5 ster nguyên liệu giấy, 20 cây còn non, 01 máy cưa xăng cầm tay; phạt tiền 35.750.000 đồng.

5. Chế độ thông tin phối hợp

Từ đầu năm 2015 đến nay, công tác phối hợp trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh giữa 04 huyện của hai tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, kiểm lâm các địa phương vùng giáp ranh đã thường xuyên liên hệ trao đổi kinh nghiệm, đồng thời thông tin cho nhau và nhiều lần tổ chức họp, bàn bạc các biện pháp, giải pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh trên tinh thần đoàn kết, gắn bó, trách nhiệm cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp điều tra, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm.

Đồng thời tại Hội nghị, Chi cục Kiểm lâm Bình Định và Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cũng đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ.

Hình: Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định và Phú Yên ký kết Quy chế phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh hai tỉnh

Theo nội dung Quy chế phối hợp đã được ký kết, nêu rõ trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh trong công tác phối hợp như sau:

1. Lực lượng kiểm lâm của mỗi bên tham mưu cho chính quyền địa phương nơi có rừng giáp ranh xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn và tổ chức lực lượng kiểm tra việc thực hiện phương án, kế hoạch đã được phê duyệt ở từng địa phương cụ thể; tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân cam kết bảo vệ rừng, xây dựng lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở, đấu tranh phát hiện, tố giác với kiểm lâm và các cơ quan chức năng những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Phối hợp kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các vùng giáp ranh thường xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái phép, vận chuyển, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước và các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng.

2. Trường hợp các đối tượng phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản, động vật rừng trái với các quy định của Nhà nước mà cố tình chống đối, không chấp hành lệnh kiểm tra, tẩu tán qua địa bàn hai tỉnh thì lực lượng kiểm lâm đang làm nhiệm vụ tiếp tục truy bắt và đề nghị cơ quan kiểm lâm nơi gần nhất hỗ trợ; trường hợp này không căn cứ theo ranh giới hành chính để kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Cơ quan kiểm lâm nơi gần nhất được đề nghị phối hợp phải nhanh chóng tổ chức triển khai lực lượng phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ.

3. Trường hợp khẩn cấp như cháy rừng hoặc vụ việc đang xảy ra cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm thì lãnh đạo cơ quan kiểm lâm sở tại và kiểm lâm viên đang thi hành nhiệm vụ điện thoại làm việc trực tiếp với lãnh đạo trực tiếp của cơ quan kiểm lâm bên kia để hỗ trợ. Bên nhận được yêu cầu hỗ trợ phải có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi và cử lực lượng tham gia để kịp thời phối hợp, giải quyết. Những vụ việc vượt khả năng giải quyết của đơn vị phối hợp hoặc có vướng mắc trong hoạt động phối hợp thì các đơn vị có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho lãnh đạo hai chi cục kiểm lâm để chỉ đạo giải quyết, thống nhất thực hiện. Yêu cầu phải đáp ứng nhanh chóng, kịp thời cho bên đề nghị phối hợp để giải quyết vụ việc xảy ra cũng như đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm.

4. Nếu một hành vi vi phạm xảy ra liên quan đến hai địa phương thì bên nào phát hiện trước chịu trách nhiệm xử lý, sau đó thông báo kết quả xử lý bằng văn bản cho các đơn vị liên quan biết hoặc hai bên cùng bàn bạc thống nhất giao cho một đơn vị thụ lý giải quyết. Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính gây hậu quả đối với rừng của cả hai địa phương thì thẩm quyền xử phạt thuộc về địa phương bị thiệt hại về rừng nhiều hơn trong vụ vi phạm đó. Trường hợp hành vi vi phạm xảy ra tại vùng giáp ranh nhưng thuộc địa phận tỉnh bạn thì đơn vị kiểm tra, phát hiện phải thông báo cho đơn vị cùng cấp của tỉnh bạn biết và trong 03 ngày làm việc phải bàn giao toàn bộ hồ sơ và tang vật, phương tiện vi phạm cho đơn vị tỉnh bạn.

5. Phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các hành vi phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản, động vật rừng trái với các quy định của Nhà nước. Cung cấp thông tin về thủ đoạn, hình thức hoạt động của các đối tượng cũng như danh sách các tổ chức, cá nhân, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của tỉnh bạn vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh mình để theo dõi, đấu tranh, ngăn chặn.

6. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nội bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng lực lượng kiểm lâm trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để quy chế phát huy hiệu quả cao, giúp an ninh rừng bền vững, thời gian tới hai bên cần tập trung vào các giải pháp. Trước hết, cần tăng cường trao đổi thông tin để phục vụ có hiệu quả trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003; Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 và Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Đổi mới và thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân khu vực giáp ranh. Chỉ đạo các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo quy chế đã ký kết. Thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng và tình hình hoạt động của các đối tượng vi phạm để có biện pháp phối hợp đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm pháp luật về rừng. Chủ động, phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể các cấp và chính quyền địa phương, chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban của các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh để kịp thời kiểm điểm, đánh giá những việc đã làm được, những hạn chế, tồn tại hoặc có vấn đề vướng mắc để có biện pháp khắc phục kịp thời nhằm thực hiện tốt quy chế phối hợp trên mỗi địa bàn giáp ranh. Tăng cường chỉ đạo kiểm lâm các địa phương, nhất là kiểm lâm phụ trách địa bàn bám rừng, bám dân phát hiện, ngăn chặn, xử lý và tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Quy chế phối hợp chính là sự kế thừa, duy trì và phát huy trách nhiệm bảo vệ rừng của các bên tham gia. Chính vì thế, có thể khẳng định quy chế phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh Bình Định – Phú Yên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, góp phần quan trọng vào việc phát triển rừng bền vững trong thời gian tới./.

Nguồn: Nguyễn Xuân Vũ – Chi cục Kiểm lâm Bình Định