Căng thẳng chiếm đất rừng giáp ranh Gia Lai - Bình Định

04/01/2016

Nhiều năm qua, hàng trăm người dân các xã Cửu An, Tú An, Xuân An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) ngang nhiên lấn chiếm đất rừng vùng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định). Thế nhưng đến nay, việc tranh chấp đất rừng vẫn diễn ra rất cẳng thẳng.

Ngang nhiên chiếm đất rừng làm rẫy

Năm 2001, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn được UBND tỉnh Bình Định giao gần 800 ha đất vùng giáp ranh giữa 2 huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) và thị xã An Khê (Gia Lai) quản lý, sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Thế nhưng từ năm 2008 đến nay, hàng trăm hộ dân ở các xã Cửu An, Tú An, Xuân An (thị xã An Khê, Gia Lai) ngang nhiên lấn chiếm trên 600 ha đất sản xuất, rừng phòng hộ do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý.


Hàng trăm người dân các xã Cửu An, Tú An (thị xã An Khê, Gia Lai) chiếm đất trồng keo lai

Để thu hồi lại đất, Công ty Sông Kôn bỏ ra gần 390 triệu đồng để hỗ trợ khai hoang, đền bù hoa màu cho dân. Tại các cuộc đối thoại, bền ngoài người dân đã đồng ý, song thực tế họ quay sang chống đối và ngang nhiên chiếm đất công khai. Thậm chí, khi công nhân của công ty vào trồng rừng thì bị người dân vùng này dùng rựa, cuốc hăm dọa, tấn công công nhân của công ty.

Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, bức xúc: “Người dân không chỉ phá rừng trồng của công ty chiếm đất mà còn liều lĩnh, dùng rựa tấn công công nhân để hăm dọa. Đến nay, đã có gần hơn 400 hộ dân ở An Khê có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất để trồng hoa màu và cây lâm nghiệp của công ty, gây thiệt hại cho công ty hàng tỷ đồng nhưng không bị xử lý”.

Theo ông Đạo, căng thẳng đến đỉnh điểm, năm 2013 khi công ty tiến hành khai thác 128 ha rừng trồng ở khu vực Nước Poon (thuộc tiểu khu 210B) thì bị người dân ở xã Tú An, Xuân An vào ngăn cản, chặt phá cây trồng, chiếm 27 ha đất. Thậm chí, họ còn phóng hỏa đốt cả Trạm quản lý bảo vệ rừng và một số cán bộ, công nhân bị thương tích. Vụ việc quá nghiêm trọng, cơ quan chức năng vào cuộc, đưa ra tòa 5 cá nhân bị án từ 18 - 27 tháng tù, nhưng sự việc đâu lại vào đó.


Nhiều diện tích rừng trồng ở tiểu khu 210B (khu vực rừng giáp ranh giữa xã Vĩnh Thuận và xã Tú An) do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý bị chặt phá, lấn chiếm đất để trồng mì.

Cuối năm 2014, khi công ty khai thác rừng trồng tại tiểu khu 210B và tiểu khu 226 thuộc địa bàn xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh), tiến hành dọn thực bì để trồng lại rừng thì bị hàng trăm người dân ở thị xã An Khê dùng rựa, cuốc đuổi đánh cán bộ và công nhân công ty. Họ còn ngang nhiên đập phá, phun thuốc khai hoang tận diệt cây trồng để chiếm đất trồng hoa màu.

Không chỉ đất công ty Sông Kôn bị lấn chiếm, nhiều diện tích rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Theo ông Đoàn Siêng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, hiện nay có hơn 160 ha rừng ở khoảnh 1, khoảnh 2, khoảnh 4, tiểu khu 210A do đơn vị quản lý cũng đã bị người dân thị xã An Khê xâm hại. Nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị các cấp, ngành chức năng có biện pháp giải quyết, song vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Thiếu hợp tác quyết liệt

Qua tìm hiểu, sau khi xảy ra tranh chấp quyết liệt, đại diện công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh liên tục gửi báo cáo về tình trạng người dân An Khê xâm canh, lấn chiếm đất rừng đến 2 huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê nhờ can thiệp. Sau đó, từ năm 2013 đến nay, UBND huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê cũng đã ký kết kế hoạch phối hợp xử lý việc lấn chiếm đất của người dân vùng giáp ranh. Tuy nhiên cũng chỉ là tập trung vào nội dung tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm đất, phá hoại hoa màu và trả lại đất đã lấn chiếm. Trên thực tế, người dân An Khê bất chấp quy định ngang nhiên chiếm đất rừng làm rẫy.



Không chỉ dùng rựa, cuốc tấn công mà người dân còn đặt những bẫy tự tạo trong rừng để cán bộ, công nhân công ty dẫm phải

Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, ngao ngán: “Khi ký kết kế hoạch phối hợp xử lý, lãnh đạo thị xã An Khê cũng sốt sắng lắm, nhưng khi thực hiện thì chưa thực sự quyết liệt. Do đó, khi tổ công tác ngừng kiểm tra thực địa thì những đối tượng phá rừng lại quay lại lấn chiếm đất rừng. Nếu không có biện pháp xử lý quyết liệt thì tình trạng còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Tôi đề xuất thời gian tới, cần phải có biện pháp xử lý mạnh hơn, từ xử phạt hành chính, thậm chí hình sự. Đồng thời, các chủ rừng cần khởi kiện đối với các cá nhân cố tình lấn chiếm đất để xử lý theo pháp luật mới đủ để răn đe”.

Trước thực trạng nóng bỏng trên, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã kiến nghị lên UBND tỉnh Bình Định cần sớm ngồi lại “đàm phán” với tỉnh Gia Lai tìm giải pháp xử lý.

Nguồn: Doãn Công - Báo Dân trí

Web: http://dantri.com.vn/