Cuối tháng 11-2015, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội
nghị báo cáo viên các tỉnh, thành phố và đảng ủy trực thuộc Trung ương trong cả
nước tuyên truyền chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ các loài động-thực
vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm”. Cho đến nay nạn săn bắt, tiêu thụ động vật
hoang dã, quý hiếm ở Gia Lai vẫn diễn ra hết sức phức tạp.
Các loài động thực vật quý hiếm trên bờ vực tuyệt chủng
Do vị trí địa lý, Gia Lai là một trong những tỉnh có hệ động thực vật phong
phú, đặc hữu và quý hiếm; có hệ sinh thái đa dạng với hàng trăm chủng loại quý.
Về thực vật, do đặc điểm đa dạng về địa hình, độ cao, khí hậu, đất đai và các
nhân tố hình thành đã tạo cho hệ thực vật rừng Gia Lai hết sức phong phú. Bao gồm
luồng thực vật thuộc hệ Bắc Việt Nam với các loài cây chịu ảnh hưởng của chế độ
mưa ẩm nhiệt đới; luồng thực vật thuộc hệ Vân Nam-Quý Châu có các loài cây lá
kim, thông nàng; luồng thực vật thuộc hệ khu Malaysia-Indonesia với chò đen,
chò chai, luồng thực vật Ấn Độ-Myanmar; rừng khộp... với nhiều loại gỗ quý, như
trắc, cẩm lai, hương, huỳnh đàn... Động vật có hàng ngàn loài từ thú, chim, bò
sát, động vật lưỡng cư, các loài thủy sinh. Nhiều loài động vật quý hiếm như:
voi, hổ, báo, mang Trường Sơn, bò tót, trâu rừng, gấu, rùa vàng, ba ba, cá sấu,
cá anh vũ...
Voọc má
đỏ ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
Trong nhiều thập kỷ qua, cùng với sự gia tăng dân số, sự suy
giảm nhanh chóng diện tích rừng và nạn săn bắt, kinh doanh động thực vật hoang
dã tràn lan, không thể kiểm soát khiến cho nhiều loài động-thực vật hoang dã,
quý hiếm đang ngày càng bị tuyệt diệt. Cho đến nay, nhiều loại gỗ quý của Gia
Lai có nguy cơ tuyệt chủng, như: huỳnh đàn, trắc, cẩm lai, dó bầu, hương... Các
loài động vật quý, như: hổ, gấu, rùa vàng, bò tót, tê giác nhiều năm lại đây đã
vắng bóng trong các khu rừng tỉnh ta. Hàng năm các ngành chức năng như Kiểm
lâm, Công an, Quản lý Thị trường đã bắt một số vụ mua bán, tiêu thụ động-thực vật
nằm trong sách đỏ bị nghiêm cấm khai thác, tiêu thụ nhưng vẫn không ngăn chặn
được đà suy giảm cả chủng loại và số lượng. Đây cũng là tình trạng chung của cả
nước. Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Trong 2 thập kỷ qua, mặc dù đã nỗ lực
bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường nhưng trên thực tế, tài nguyên thiên
nhiên nói chung, tài nguyên sinh học nói riêng nước ta vẫn bị khai thác quá mức,
thiếu quy hoạch dẫn đến việc đa dạng sinh học không ngừng bị suy giảm. Nhiều
loài sinh vật, đặc biệt là các loại quý, hiếm, đang trở nên tuyệt chủng hoặc đứng
trước nguy cơ tuyệt chủng. Nạn tiêu thụ động thực vật hoang dã bất hợp pháp và
không bền vững ngày càng nghiêm trọng.
Nên xóa sổ các quán kinh doanh thịt rừng
Ở Gia Lai muốn “nhậu thịt rừng” dễ như lấy đồ trong túi. Từ TP. Pleiku đến các
huyện, thị xã nơi nào cũng có quán nhậu thịt rừng, nguồn cung luôn dồi dào. Ai ở
Pleiku cũng biết quán Đ.D rất nổi tiếng ở đường Phạm Văn Đồng luôn cung cấp thịt
rừng tươi sống; nếu khách có nhu cầu như chồn, tê tê, rùa, rắn đặt trước sẽ
có... Ở xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) có quán 3 chị em gái gốc Huế chuyên kinh doanh
thịt rừng tươi sống, không rõ từ nước ngoài nhập về hay trong tỉnh. Dân sành ăn
đồ rừng ở Chư Pưh phải chạy mười mấy cây số từ trung tâm huyện vào xã Ia Le
giáp với huyện Ea H’Leo (Đak Lak) là có mồi tươi. Các huyện, thị xã phía Đông từ
Kbang qua An Khê, Kông Chro, Auyn Pa, Krông Pa... nơi nào cũng dễ dàng có mồi
nhậu thịt rừng. Con đường buôn bán động vật hoang dã từ Đức Cơ, Ia Grai, Chư
Prông về Pleiku, dân sành ăn nhậu không thể không biết.
Việc phát hiện quán xá tiêu thụ động vật hoang dã không khó, nhưng làm sao để
xóa sổ nó là không hề đơn giản. Việc đóng cửa các quán thịt rừng là phần ngọn,
muốn bảo vệ động-thực vật có nguy cơ tuyệt chủng phải làm từ gốc. Làm sao tuyên
truyền, nâng cao nhận thức của người dân và có biện pháp mạnh đối với những đối
tượng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã? Cái khó là đa phần những người săn bắt
động vật hoang dã là những người nghèo, săn bắt để mưu sinh và không phải
là nghề nghiệp chính.
Thói quen sử dụng tiêu thụ động vật hoang dã, thực vật quý hiếm đã ăn sâu vào
tiềm thức của người dân, nếu không có sự tuyên truyền mạnh mẽ, quyết liệt sẽ
khó chuyển biến. Càng chậm thay đổi nhận thức tiêu dùng động vật hoang dã quý
hiếm, thế hệ tương lai của chúng ta ngày càng trả giá.
Nguồn: Đắc Sơn - Báo Gia Lai online
Web: http://baogialai.com.vn/