Cần xây dựng bộ luật về lâm nghiệp phù hợp thời kỳ mới

09/06/2017

Luật Bảo vệ và phát triển rừng lần đầu được ban hành vào năm 1991 trong bối cảnh tài nguyên rừng bị suy thoái nghiêm trọng, tỷ lệ che phủ rừng của cả nước chỉ còn khoảng 28%. Nhiệm vụ chính của giai đoạn này là khôi phục rừng bằng các chương trình, dự án của Chính phủ để phủ xanh, đất trống núi trọc. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2005 - 2015, Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã sửa đổi, bổ sung và được QH thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Khóa XI ngày 3.12.2004.

Hơn 25 năm qua, Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng theo mục tiêu quản lý chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp nhân dân, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia; kinh tế lâm nghiệp từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội, nhờ đó, diện tích rừng cả nước năm 2016 là 14, 377 triệu ha với độ che phủ rừng 41,19%, hàng năm có thể khai thác được gần 20 triệu m3 gỗ, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 7 tỷ USD với mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân 10 - 15%/năm. Lâm nghiệp là phân ngành kinh tế có tăng trưởng cao nhất trong nhóm các phân ngành kinh tế nông nghiệp. Mặc dù đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng đến nay Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phức tạp; sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt thành các giai đoạn riêng lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp; đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế của cả nước rất thấp, thu nhập của người làm nghề rừng thấp...

Mặt khác, phát triển sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị cung ứng lâm sản đang trở thành xu hướng chủ đạo nhằm bảo đảm thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp và hướng tới quản lý tài nguyên rừng bền vững. Trong quá trình hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, ngành Lâm nghiệp nước ta phải tham gia vào chuỗi cung ứng lâm sản toàn cầu, tuân thủ việc truy xuất nguồn gốc gỗ theo quy định quốc tế. Vì vậy, hình thành liên kết giữa người sử dụng lâm sản với chủ rừng thông qua một chu trình khép kín từ quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản trở thành một yêu cầu bức thiết.

Thực tiễn đang đòi hỏi mọi hoạt động lâm nghiệp phải được hình thành từ sự phân công lao động xã hội; là một phân ngành, ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phải có sự liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp nhằm tạo ra rừng, sản xuất và cung ứng lâm sản đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, tạo dựng lòng tin và đời sống xã hội, đảm bảo chế biến và xuất khẩu lâm sản có trách nhiệm, tạo dựng lòng tin của khách hàng nước ngoài và xây dựng thương hiệu của đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trên thực tế, trong những năm gần đây, công nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ đã trở thành động lực chính thu hút hàng triệu hộ nông dân trồng rừng, góp phần hình thành trên 4,1 triệu ha rừng trồng ở nước ta.

Xuất phát từ những lý do trên, Luật Bảo vệ và phát triển rừng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để trở thành Luật Lâm nghiệp với phạm vi điều chỉnh theo chuỗi giá trị của lâm nghiệp gồm tạo rừng, quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng rừng, chế biến, thương mại và dịch vụ rừng thì mới phát huy đầy đủ tiềm năng để phát triển lâm nghiệp bền vững, quản lý bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả, hội nhập quốc tế sâu rộng, đem lại lợi ích trực tiếp cho cá nhân, tổ chức làm lâm nghiệp và cho đất nước.

Đọc tiếp bản đầy đủ bấm link dưới đây