Các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên và Đăk Lăk tổng kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

24/06/2024

Chiều ngày 20/6/2024, tại Hội trường 2/9 thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa bốn tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên và Đăk Lăk từ năm 2017 đến nay; Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp trong thời gian tới, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là ký kết lại Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn hiện nay.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên và Đăk Lăk; Đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm vùng IV; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, UBND các huyện và các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh giữa bốn tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên và Đăk Lăk.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Đồng chí Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị này, tập trung thực hiện hai nội dung chính: Một là, Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa bốn tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên và Đăk Lăk từ năm 2017 đến nay và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp trong thời gian tới; Hai là,  Góp ý hoàn thiện dự thảo Quy chế và ký kết lại Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn hiện nay.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Toàn cảnh Hội nghị

Từ năm 2017 đến nay, bốn địa phương tại vùng giáp ranh đã ký và triển khai thực hiện 35 Quy chế phối hợp (có 03 Quy chế cấp tỉnh, còn lại là cấp huyện và ngành Kiểm lâm các địa phương). Theo báo báo và ghi nhận từ kết quả hội nghị cho thấy giai đoạn từ năm 2017 đến nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song các địa phương đã quyết liệt, chủ động triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể như: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp được tăng cường (tổ chức được 861 đợt tuyên truyền với 31.477 người dân tham gia, ký cam kết trách nhiệm bảo vệ rừng và PCCCR với 191 hộ dân sống trong, ven rừng tại các vùng giáp ranh; Thường xuyên trao đổi thống tin, nắm bặt diễn biến tình hình quản lý, bảo vệ giáp ranh để có giải pháp ứng phó, xử lý kịp thời; Phối hợp tổ chức được 1.876 đợt tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời 565 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trong đó tại vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk xảy ra 474 vụ, chiếm 83.89% tổng số vụ vi phạm (xử lý hình sự 37 vụ và xử lý hành chính 528 vụ), diện tích rừng bị phá 45,470 m2, lâm sản tịch thu 613,41 m3 gỗ các loại, 137,734 ster và 12.915 kg củi, 24.020 kg gốc, cành nhánh; 500 kg than, 02 cây bằng lăng và 19 cây Giáng Hương, tịch thu 202 phương tiện, công cụ các loại, tiền xử phạt thu nộp ngân sách  2.042.550.000 đồng.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, song trong quá trình thực hiện Quy chế vẫn còn một số điểm tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Phạm vi ranh giới vùng giáp ranh trải dài, ranh giới hành chính giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh chưa phân định rõ ràng dẫn đến khó khăn trong quản lý, giám sát; Công tác phối hợp chưa thực sự đi vào chiều sâu, các bên còn thụ động dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao, vẫn còn nhiều điểm nóng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đặc biệt là các hành vi về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật chưa được xử lý triệt để dẫn đến nguy cơ mất rừng còn cao, nhất là tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk; Lực lượng bảo vệ rừng mỏng (kiểm lâm và chủ rừng), cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị kỹ thuật, kinh phí, trình độ năng lực còn hạn chế.

Đồng thời, Hội nghị cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp trong thời gian tới, trong đó có một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: 1) Tiếp tục tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 08/3/2024 của Chính phủ, Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; 2) Tăng cường công tác nắm tình hình, chia sẻ thông tin, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch phối hợp chặt chẽ với cơ quan cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác kiểm tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, hạn chế tối đa không để phát sinh các điểm nóng, phức tạp tại các vùng giáp ranh; 3) Đổi mới về nội dung, hình thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Không tham gia phá rừng, khai thác rừng, ... trái pháp luật; Tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Ảnh: Nguyễn Đình Thắng - Lễ ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh năm 2024 giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Đăk Lăk

Cũng tại Hội nghị, Quy chế phối hợp giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Đăk Lăk trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh năm 2024 được ký kết dưới nghi thức trang trọng với sự chứng kiến của lãnh đạo của các Sở, ngành thuộc bốn tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí và các bên có liên quan. Đây là cơ sở pháp lý làm căn cứ giúp các địa phương cấp huyện, xã và các ngành chức năng tại địa phương vùng giáp ranh tại bốn tỉnh Gia Lai,Bình Định, Phú Yên và Đăk Lăk xây dựng và tổ chức hiện Quy chế phối hợp hiệu quả, đúng quy định./.

   Ths. Nguyễn Đình Thắng,  Phòng QLBVR - Chi cục Kiểm lâm vùng IV