Ông Nguyễn Hữu Long, ngụ tại xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) phản
ánh: Tình trạng lấn chiếm đất rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú ngày càng gia
tăng, nhất là tình trạng trồng thanh long, năm 2015 đã xảy ra hơn 20 trường hợp
lấn chiếm đất rừng. Song, các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa có
biện pháp ngăn chặn và xử lý dứt điểm.
Khu vực chân núi Tà Cú các hộ dân trồng thanh long
Qua tìm hiểu vấn đề nói trên chúng tôi được biết: Từ năm
1996 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên Tà
Cú thuộc địa bàn xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam với diện tích 11.866ha. Trước khi
được xác lập đã có 630 hộ dân canh tác, sinh sống xung quanh và bên trong khu bảo
tồn thiên nhiên Tà Cú. Giải pháp di dời các hộ dân ra khỏi khu bảo tồn được địa
phương đề ra, nhưng không thực hiện được vì gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2005
sau khi được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đồng
ý, UBND tỉnh Bình Thuận đã điều chỉnh đưa ra khỏi đất lâm nghiệp 1.363ha giao về
cho địa phương bố trí đất sản xuất cho các hộ dân. Diện tích còn lại của khu bảo
tồn thiên nhiên Tà Cú là 10.503ha, trong đó có 776,103ha đất của dân đang canh
tác nông nghiệp. Như vậy, việc người dân canh tác đất nông nghiệp trong Khu bảo
tồn thiên nhiên Tà Cú có từ trước khi xác lập khu bảo tồn cho đến nay. Những
năm gần đây các hộ dân chuyển sang canh tác trồng cây thanh long trên đất rẫy
cũ của họ (không phải đất lấn chiếm mới), nhưng việc xử lý của cơ quan chức
năng còn gặp nhiều khó khăn. Theo phản ánh của người dân thì trong năm 2015 đã
xảy ra 20 trường hợp trồng thanh long trên diện tích khoảng 9,18ha, so với năm
trước tăng 17 trường hợp. Việc để người dân trồng thanh long trên đất rẫy cũ
trong Khu bảo tồn trách nhiệm trước hết thuộc về Ban quản lý Khu bảo tồn thiên
nhiên Tà Cú. Mặt khác, chính quyền địa phương cấp huyện, xã giáp ranh chưa làm
tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đối với người dân đang canh tác bên trong
Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú; đối với các hộ dân canh tác rẫy cũ trong khu bảo
tồn chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về đất đai…
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Sở
Nông nghiệp – Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên
tuyên truyền, giáo dục người dân trên địa bàn chấp hành pháp luật; không chuyển
đổi cây trồng trong khu bảo tồn; chủ rừng tăng cường lực lượng thường xuyên tuần
tra, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp của Khu bảo tồn thiên
nhiên Tà Cú. Mặt khác, yêu cầu người dân ký cam kết không cơi nới, lấn chiếm đất
mới và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và đề xuất phương án, vị trí
hoán chuyển đất canh tác trong khu bảo tồn đưa ra khỏi rừng để thuận lợi cho
công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn rừng.
Nguồn: Sông Hương - Báo Bình Thuận online
Web: http://www.baobinhthuan.com.vn/