Nỗ lực hạn chế mất rừng
Mất rừng, suy thoái rừng và hoang mạc
hóa đang là vấn đề mà một số nơi trong tỉnh đang phải đối mặt. Đặc biệt
là ở ven biển của huyện Bắc Bình và Tuy Phong. Diện tích rừng và đất lâm
nghiệp của tỉnh qua mỗi kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo vệ và phát
triển rừng đều có xu hướng giảm cả về diện tích và chất lượng. Mất rừng dẫn đến
biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, vấn
đề mất rừng và suy thoái rừng, giảm độ che phủ rừng… cần được xem xét đánh giá,
nhằm đề xuất các giải pháp giảm thiểu và thích ứng, nâng cao nhận thức cho
người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn cho biết, những năm qua, Bình Thuận đã nỗ lực tham gia
các chương trình, dự án liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên
rừng, dịch vụ môi trường rừng, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó và
thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, có chương trình 5 triệu ha rừng theo
Quyết định 661; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020; thí
điểm triển khai thành công chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài
ra, Bình Thuận còn có dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (Dự án
JICA2) giai đoạn 2011- 2020. Mục đích nhằm phục hồi và quản lý bền vững rừng
phòng hộ, phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học, xóa đói giảm nghèo. Hơn thế,
trong năm 2015, Bình Thuận trở thành một trong 6 tỉnh thành trong cả nước thí
điểm tham gia chương trình hợp tác của Liên Hiệp Quốc về “Giảm phát thải nhà
kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài
nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng cac-bon rừng tại Việt Nam” (gọi
tắt là Chương trình UN-REED).
Trong việc tiếp cận giải pháp giảm mất
rừng và suy thoái rừng, trồng rừng phủ xanh, trồng rừng kinh tế, phòng chống sa
mạc hóa… Bình Thuận đã nỗ lực xây dựng được một số diện tích rừng phòng hộ,
rừng sản xuất. Đến năm 2014, Bình Thuận có 38.753 rừng trồng trong quy hoạch 3
loại rừng. Những diện tích này đã và đang mang lại tác dụng để phòng hộ nguồn
nước, hạn chế thoái hóa đất, chắn gió… phục vụ ổn định sản xuất nông nghiệp và
phát triển kinh tế cho địa phương.
Tiến trình giảm mất rừng và suy thoái
rừng, trồng cây gây rừng phát triển kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự nỗ
lực của nhiều ngành, nhiều cấp…
Nguồn, Ảnh, Web: Kiều Hằng – Báo Bình Thuận
Online
http://www.baobinhthuan.com.vn/