BÌNH THUẬN CHỦ ĐỘNG TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, ĐẶC BIỆT LÀ DỰ ÁN TRỒNG RỪNG VEN BIỂN GIAI ĐOẠN 2015 – 2020

08/09/2015
Bình Thuận là một trong các tỉnh có bờ biển dài, trước các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiều vị trí bị xâm thực, sạt lở như: Bình Thạnh, Chí Công, Phước Thể (Tuy Phong); Phan Rí Thành, Hòa Thắng (Bắc Bình); Mũi Né, Thiện Nghiệp, Phú Hài, Tiến Thành (Phan Thiết); Thuận Quý, Tân Thành (Hàm Thuận Nam); Tân Tiến, Tân Bình (La Gi); Sơn Mỹ (Hàm Tân), bờ biển thuộc huyện đảo Phú Quý…
Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều đoạn kè chống xâm thực bờ biển, góp phần khắc phục, bảo vệ bờ biển tại một số vị trí xung yếu. Song song đó, thực tiễn cho thấy, cùng với việc xây dựng kè chống xâm thực thì trồng rừng ven biển tạo ra các băng rừng chắn sóng bảo vệ bờ biển cũng là giải pháp rất quan trọng, nâng cao khả năng phòng hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái.

Cụ thể, thời gian qua trên địa bàn huyện Phú Quý đã và đang triển khai thực hiện đề tài “Thử nghiệm trồng rừng ngập mặn trong các điều kiện khác nhau trên địa bàn huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận”. Theo đó, Trạm Nông Lâm nghiệp cũng đang tiến hành trồng thử nghiệm cây ngập mặn tại những vùng ven biển Phú Quý như: Lạch Dù, Hòn Tranh và Lỗ Sâu thuộc địa bàn xã Tam Thanh. Sau thời gian triển khai, Trạm Nông Lâm nghiệp đã trồng theo thiết kế và tiến hành trồng dặm tổng cộng 15.000 cây (bao gồm 3 loại cây: đước, đưng và mắm biển). Tuy mới trồng thử nghiệm cây ngập mặn ở đảo, nhưng tỷ lệ cây đước sống đạt trên 70%. Hiện đơn vị đang tiếp tục duy trì công tác chăm sóc bảo vệ cây và theo dõi, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và thích ứng của các loại cây này nhằm mở rộng diện tích tạo môi trường sinh thái trên các bãi đá ven biển, hình thành dãy cây xanh chắn sóng và tạo điều kiện cho các loài sinh vật biển trú ngụ, sinh trưởng.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, một dải rừng ngập mặn ven biển dày 100 mét có thể hóa giải năng lượng sóng biển, giúp ngăn sự tàn phá của nước biển dâng, bảo vệ hữu hiệu dân cư, các khu du lịch, khu vực nuôi trồng thủy sản… ven biển. Rừng ven biển còn giúp hấp thụ khí gây hiệu ứng nhà kính, giúp giảm nhiệt bề mặt trái đất. Từ thực tế đó, triển khai Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 120/QĐ-TTg ngày 22/01/2015 và tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương của Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP-RCC tại Công văn số 78/TTg-KTTH ngày 16/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm 2015 Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng, trình các Bộ ngành thẩm định nguồn vốn, phần vốn Trung ương hỗ trợ và trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án trồng rừng ven biển chắn sóng, chắn cát để cải thiện môi trường sống và canh các của người dân địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015 – 2020 tại Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 28/8/2015; theo đó, trong giai đoạn 2015-2020 triển khai trồng, chăm sóc và phục hồi rừng ven biển trên diện tích 470,7 ha thuộc địa bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Tân, La Gi...và huyện đảo Phú Quý với đơn giá bình quân cho 01 ha từ 27 – 100 triệu đồng; Đặc biệt, đối với Đảo Hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong và Huyện đảo Phú Quý – tỉnh Bình Thuận là các khu vực có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của tỉnh và cả nước nên việc phát triển các đai rừng trên Đảo và Huyện đảo có tầm quan trọng đặc biệt nhằm tăng độ tán che phủ, đảm bảo chức năng phòng hộ, chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng biển, điều hòa khí hậu, lưu giữ nguồn nước ngọt ngầm quý hiếm của Đảo, Huyện đảo góp phần phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ, yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay…

Nguồn: Nguyễn Ngô Tấn Hiếu - Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình thuận

http://www.stnmt.binhthuan.gov.vn/