Hàng loạt vụ phá rừng vẫn diễn ra tại nhiều
nơi bất chấp lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, cho thấy lực lượng
chức năng và chính quyền địa phương có vấn đề
Thời gian qua, nhiều khu vực trên địa bàn các
tỉnh Tây Nguyên luôn “nóng” về tình trạng phá rừng. Trong khi đó, lực lượng
chức năng đã tổ chức những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhưng không thực sự
đạt hiệu quả.
Vấn đề là ở con người
Theo Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ (RPH)
Đông Bắc Chư Pah (tỉnh Gia Lai), tình trạng khai thác gỗ trái phép diễn biến
rất phức tạp tại Tiểu khu 174 giáp ranh với huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. BQL
RPH này cho rằng các đối tượng lén lút khai thác vào ban đêm, ngày thì nghỉ nên
gây khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ.
Trong khi đó, khu vực rừng tại xã Ngọc Réo,
huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum đã được BQL RPH Đắk Hà bố trí 3 chốt bảo vệ nhưng
vẫn không cản được lâm tặc vào tàn phá. Trước tình trạng này, từ ngày 1-3, UBND
huyện Đắk Hà phải lập thêm một đoàn công tác để kiểm tra, ngăn chặn nạn phá
rừng.
Bất chấp lệnh đóng cửa rừng, rừng tại huyện Ea
Súp, tỉnh Đắk Lắk vẫn bị tàn phá Ảnh: Cao Nguyên
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay
không sự tiếp tay của lực lượng kiểm lâm và cán bộ lâm nghiệp nói chung đối với
lâm tặc, ông Nguyễn Xuân Linh, Trưởng BQL RPH Đắk Hà, cho rằng dù không có bằng
chứng nhưng qua nắm bắt thông tin từ dư luận thì vẫn có.
“Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, chúng tôi
phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện tổ chức truy quét thì không thấy bóng
dáng tên lâm tặc nào” - ông Linh băn khoăn. Ông tỏ ra nghi ngờ cán bộ, nhân
viên kiểm lâm thông báo cho lâm tặc, cũng không loại trừ khả năng chính là
người của BQL RPH Đắk Hà. Thậm chí, theo ông Linh, có cả lãnh đạo UBND xã Ngọc
Réo “đứng sau” việc khai thác gỗ của người dân trên địa bàn vì đã có lần kiểm
lâm bắt xe gỗ nhưng lãnh đạo xã gọi điện xin tha.
Theo ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Chủ tịch UBND
tỉnh Kon Tum, việc quản lý, bảo vệ rừng có tốt hay không, vấn đề là ở con người.
Trên địa bàn Kon Tum cũng có một số đơn vị quản lý, giữ rừng rất tốt, điển hình
như BQL RPH Thạch Nham, huyện Kon Plong.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên
trước tình trạng rừng vẫn mất dù Thủ tướng đã tuyên bố đóng cửa rừng thì trách
nhiệm thuộc về ai, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Trị, khẳng định tất nhiên trách nhiệm thuộc về chính
quyền và các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương.
Thời gian qua, ngoài RPH Hướng Hóa - Đakrông
liên tục “chảy máu”, khu vực rừng tự nhiên thuộc BQL RPH lưu vực sông Bến Hải
(huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cũng bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng. Sau khi
báo chí phản ánh, cơ quan chức năng ở Quảng Trị đã vào cuộc và có những biện
pháp xử lý, chấn chỉnh.
Ông Tống Phước Châu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm
Đakrông, cho biết đơn vị đã triển khai lực lượng chốt chặn, kiểm tra, giám sát
những điểm nóng phá rừng ở RPH Hướng Hóa - Đakrông. Hạt còn yêu cầu chủ rừng
tăng cường tuần tra, kịp thời báo cáo những hành vi xâm phạm rừng cho cơ quan
chức năng.
“Với người dân, chúng tôi tổ chức tuyên
truyền, vận động để nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ rừng. Với các đối
tượng có hành vi xâm phạm rừng, chúng tôi buộc họ phải ký cam kết không tái
phạm” - ông Châu nói. Theo ông Lê Đắc Quỳ, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, thời
gian tới, để giữ rừng bền vững, huyện sẽ quy hoạch lại diện tích đất rừng và
đất sản xuất, đồng thời bảo đảm sinh kế cho người dân xung quanh.
Vẫn điệp khúc “rừng rộng, lực lượng mỏng”
Trở lại vụ phá rừng ở huyện Bắc Trà My, tỉnh
Quảng Nam mới đây, ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện, cũng cho rằng
trách nhiệm trước hết thuộc về kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương. Tuy
nhiên, theo ông, rừng thì rộng mà lực lượng kiểm lâm lại mỏng nên không thể
quản lý hết.
Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh
Quảng Nam, khẳng định không thể lấy lý do lực lượng mỏng để biện hộ cho việc để
mất rừng. Hiện tại, trên địa bàn huyện Bắc Trà My có 3 đơn vị bảo vệ rừng nên
không thể gọi là “mỏng”. Theo ông Đức, để xảy ra phá rừng, bản thân ông với tư
cách là “tư lệnh ngành” NN-PTNT địa phương cũng có một phần trách nhiệm. Chúng
tôi cũng đặt vấn đề về trách nhiệm khi để mất rừng sau lệnh đóng cửa rừng của
Thủ tướng, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, không
trả lời trực tiếp mà nói rằng ông luôn cố gắng làm hết trách nhiệm của mình.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng
Nam, cho hay đang yêu cầu lực lượng kiểm lâm tiếp tục kiểm tra tình trạng phá
RPH ở huyện Bắc Trà My và báo cáo bổ sung. Sau đó, tùy vào mức độ sai phạm sẽ
đưa ra hướng xử lý. Ông Thanh nhìn nhận việc quản lý, bảo vệ rừng liên quan đến
nhiều cơ quan, đơn vị. Vì vậy, khi xảy ra phá rừng thì cần đánh giá một cách
toàn diện, khách quan chứ không thể quy hết trách nhiệm cho một vài người.
Lý giải về tình trạng phá rừng vẫn diễn biến
phức tạp, ông Cao Xuân Tiến, Phân trường phó Phân trường 1 Ya Lốp - Công ty
TNHH MTV Lâm nghiệp Ya Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), cũng cho rằng do “lực
lượng mỏng”. “Mới đây, khi có chủ trương sáp nhập các công ty lâm nghiệp với
nhau, công cụ hỗ trợ phải trả lại nên việc bảo vệ rừng thêm khó khăn. Bên cạnh
đó, do địa bàn rộng, nhân lực mỏng nên chúng tôi phải chia nhau trực ở những
chỗ trọng điểm. Nếu gặp lâm tặc, chúng tôi phải gọi thêm sự trợ giúp, lâm tặc
có thời gian chạy thoát thân nên chỉ thu được gỗ” - ông phân trần.
Trong khi đó, ông Trương Văn Dự, Hạt trưởng
Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, khẳng định nhiều vụ việc do được báo động trước nên
lâm tặc đã kịp thời tháo chạy khi lực lượng kiểm lâm ập đến.
Khó phối hợp bảo vệ rừng
Ông Y Sy H’Dơk, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm
lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết trên địa bàn huyện Ea Súp có 28 dự án thuê đất, thuê
rừng để phát triển nông, lâm nghiệp với diện tích hơn 21.000 ha. Tuy nhiên, chỉ
vài dự án triển khai hiệu quả, nhiều dự án khác chưa thực hiện nên cử 1-2 người
trông coi. Bên cạnh đó, lực lượng thuộc các xã, các dự án chưa nhiệt tình khiến
kiểm lâm rất khó khăn trong việc phối hợp bảo vệ rừng.
“Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk sẽ tham mưu cho
Sở NN-PTNT và UBND tỉnh chỉ đạo xử lý trách nhiệm của những xã, huyện để mất
rừng, đồng thời kiến nghị thu hồi các dự án không hiệu quả” - ông Y Sy H’Dơk
cho biết.
Nguồn: Hoàng Thanh - Cao Nguyên - Trần Trường
- Hà Phong – Báo Người lao động
Web: http://nld.com.vn/