Hội thảo phát triển hệ thống quản lý thông tin công nghiệp chế biến lâm sản tại Việt Nam (FIMS) tại Thành phố Hồ Chí Minh

13/12/2017

Ngày 12 tháng 12 năm 2017, đã diễn ra Hội thảo phát triển hệ thống quản lý thông tin công nghiệp chế biến lâm sản tại Việt Nam (FIMS) tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tới tham dự hội thảo có Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ hợp tác quốc tế, vụ phát triển sản xuất lâm nghiệp, vụ pháp chế thanh tra, Chi cục Kiểm lâm vùng. Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hồ Chí Minh, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai. Công ty phát triển phần mềm Simosol, Dự án FORMIS II.



Đ/c Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp Phát biểu khai mạc Hội thảo

Dự án "Phát triển hệ thống quản lý thông tin ngành Lâm nghiệp" (FORMIS) đang ở Giai đoạn II, triển khai từ năm 2013 đến năm 2018 với nguồn vốn tài trợ bởi Chính phủ Phần Lan. Dự án hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và PTNT giám sát và quản lý ngành lâm nghiệp bằng cách xây dựng một hệ thống thông tin hiện đại, thống nhất từ trung ương đến địa phương, nhằm cung cấp thông tin chính xác cho việc ra quyết định của các cơ quan quản lý lâm nghiệp các cấp.


Toàn cảnh Hội thảo triển khai phát triển hệ thống quản lý thông tin công nghiệp chế biến lâm sản tại Việt Nam (FIMS) tại Thành phố Hồ Chí Minh

Mục đích của cuộc hội thảo lần này nhằm phát triển phần mềm (ứng dụng Web) giúp cho việc quản lý thông tin các cơ sở chế biến gỗ trên phạm vi cả nước dựa trên nền tảng của hệ thống Formis II đã xây dựng. Đồng thời giúp cho nhà hoạch định chính sách ngành lâm nghiệp nắm bắt, so sánh, đánh giá trong công tác quản lý thông tin ngành chế biến lâm sản để từ đó đưa ra các chính sách phù hợp với tình hình thực tế và cơ sở chế biến gỗ nắm được nguồn nguyên liệu tập trung ở đâu? tiếp cận diện tích rừng này như thế nào? đặc biệt là tạo mối quan hệ giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ.

Trong thời gian tới dự án Formis II sẽ cùng công ty viết phần mềm Simosol – đơn vị chuyên về CNTT trong ngành lâm nghiệp tại Phần Lan tiếp tục hoàn thiện các hạng mục của dự án, dự kiến đến đầu tháng 5 sẽ hoàn thành, tiến hành chuyển giao kĩ thuật. Về cơ bản ứng dụng này đáp ứng rất tốt cho việc quản lý hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, lưu trữ dữ liệu bằng công nghệ số, đây được xem là cơ hội tốt để ngành lâm nghiệp nắm bắt các công nghệ mới, cải cách hành chính. Đặc biệt, để thực thi VPA, Việt Nam sẽ xây dựng một hệ thống đảm bảo tính pháp lý của gỗ để đảm bảo gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu đến từ các nguồn hợp pháp, bao gồm các hệ thống để kiểm chứng rằng gỗ nhập khẩu đã được thu hoạch và buôn bán hợp pháp theo luật pháp của nước nơi gỗ được thu hoạch do đó ứng dụng được xem là tiền đề để các cơ quan quản lý nhà nước cấp phép đúng thông lệ Quốc Tế, chứng chỉ nguồn gốc gỗ, thỏa thuận đối với các tổ chức Quốc tế đúng quy định.

Nguồn: Thế Phương – Chi cục Kiểm lâm vùng IV

Tin nổi bật