Chi cục Kiểm lâm vùng IV tham dự lớp tập huấn về xác minh sự tuân thủ, trách nhiệm giải trình, phân loại doanh nghiệp tại tỉnh Gia Lai.

13/08/2024

Chi cục Kiểm lâm vùng IV tham dự lớp tập huấn về xác minh sự tuân thủ, trách nhiệm giải trình, phân loại doanh nghiệp tại tỉnh Gia Lai.

Thực hiện Quyết định số 1491/QĐ-BNN-HTQT ngày 30/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2024 của dự án “Hỗ trợ thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT tại Việt Nam sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức (Dự án), Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã cử 02 đồng chí tham gia lớp “Tập huấn về xác minh sự tuân thủ, trách nhiệm giải trình, phân loại doanh nghiệp cho Kiểm lâm, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Doanh nghiệptrong 02 ngày 08 - 09/8/2024, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Giảng viên và các học viên tham dự lớp tập huấn tại Pleiku, tỉnh Gia Lai

Thành phần Ban tổ chức gồm có: Cán bộ Dự án; Công chức Cục Kiểm lâm; Giảng viên Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thành phần tham dự gồm có 30 học viên là Công chức Kiểm lâm và các doanh nghiệp nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Bình Định.

Giảng viên và học viên trao đổi những khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu gỗ theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP.

Tại lớp tập huấn, các học viên được giới thiệu về các nội dung như: Mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc và tiêu chí phân loại doanh nghiệp; Hồ sơ, trình tự, thủ tục phân loại doanh nghiệp; Giới thiệu Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp; Trách nhiệm giải trình và vai trò trong quản lý rủi ro chuỗi cung ứng; Trách nhiệm giải trình theo quy định của Liên minh Châu Âu; Thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP về quản lý gỗ nhập khẩu; Tổng quan về nguồn thông tin sẵn có miễn phí để hỗ trợ các bên thực hiện trách nhiệm giải trình về gỗ hợp pháp.

Đây là những kiến thức cơ bản giúp cho cán bộ Kiểm lâm và Doanh nghiệp nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu ở địa phương nắm bắt và vận dụng những văn bản có liên quan đến quản lý gỗ hợp pháp, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp tại địa phương.

Được biết khai thác gỗ bất hợp pháp đã tàn phá tài nguyên, ảnh hưởng xấu tới môi trường, xã hội và làm thất thu ngân sách nhà nước, vấn đề này đã được cộng đồng quốc tế quan tâm từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Chính phủ Việt Nam đã trải qua hơn 6 năm đàm phán. Ngày 12/3/2019, Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (gọi tắt là VPA/ FLEGT). Để thực Hiệp định VPA/ FLEGT, Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật nhằm nội luật hóa các cam kết của Hiệp định, bao gồm việc xây dựng Nghị định số 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bài, ảnh: Trần Hà – Chi cục Kiểm lâm vùng IV