Cây rừng trong lâm phần thuộc Ban Quản lý Rừng
phòng hộ Chư Sê vẫn bị đốn hạ và công khai vận chuyển qua trạm bảo vệ rừng trên
tuyến đường giao thông huyết mạch nối xã Ayun với trung tâm huyện Chư Sê.
Có mặt tại
xã Ayun, chúng tôi nhận thấy nhiều đống gỗ được xếp gọn dưới gầm nhà sàn hoặc
ngổn ngang trong vườn. Trong khuôn viên UBND xã Ayun cũng có một đống gỗ. Ông
Phạm Ngọc Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đó là gỗ trái phép bị phát hiện
và bắt giữ. Đi dọc theo con đường độc đạo nối xã Ayun với trung tâm huyện Chư
Sê thường bắt gặp cảnh xe máy cày loại nhỏ kéo rơ moóc và độ chế bộ phận cáp tời
chở củi và gỗ chạy công khai. Hàng chục lượt xe gắn máy chở máy cưa xích, can
nhựa thay nhau ra vào qua trụ sở UBND xã và trạm chốt bảo vệ rừng đầu đèo Ayun.
Trong quán nước cuối đèo, một người đàn ông điều khiển xe gắn máy chở thêm một
máy cưa xích ghé mua nước uống, qua trò chuyện, người đàn ông này cho biết, nhà
ông ở thị trấn Chư Sê, mỗi ngày đều điều khiển xe máy vào khu rừng phòng hộ Chư
Sê đoạn tiếp giáp với huyện Mang Yang để khai thác gỗ trái phép và chở bằng xe
máy về trung tâm huyện bán lại cho đầu nậu.
Cây rừng bị đốn hạ không thương tiếc. Ảnh: Nguyễn Tú
|
Theo chỉ dẫn của người đàn ông này, chúng tôi men theo con đường
gồ ghề, in hằn vết bánh xe công nông. Trước đó, người dẫn đường cũng cho biết
đây là con đường độc đạo dẫn vào rừng và con đường này cũng dẫn đến địa phận
huyện Mang Yang. Người dân xã Ayun và các thôn, làng lân cận thuộc huyện Mang
Yang thường qua lại bằng con đường này. Đi qua làng Dờ Lâm (xã Ayun, huyện Chư
Sê) khoảng 3 km là đến khu vực có rừng. Tuy nhiên ở đây từng khoảnh rừng đã bị
phát quang làm rẫy. Cây cối bị phát nham nhở và chất thành từng đống; lâu lâu
bắt gặp rẫy lúa đã cắm cọc rào bảo vệ xung quanh bằng cây rừng. Đi thêm 3-4 km,
bắt gặp nhiều cây rừng có đường kính 20-30 cm đã bị đốn hạ, phần thân đã bị ai
đó chuyển chỗ khác, chỉ còn trơ gốc, ngọn, cành và miếng ván gỗ bìa.
Trên đường đi, chúng tôi bất ngờ nghe tiếng gầm rú của máy móc. Một người phụ
nữ đứng cạnh đường, thấy chúng tôi vội vàng chạy về phía trước. Khi chúng tôi
đến nơi, người phụ nữ này đang thì thầm với một nhóm khoảng 5-6 người. Cạnh đó,
một chiếc xe công nông chở gỗ bị sa lầy. Một sợi dây cáp nối đầu xe với một cây
gần đó. Loay hoay hơn 10 phút, máy nổ ầm ầm và tiếng người hò la đẩy, khói đen
bay mù nhưng chiếc xe vẫn không dịch chuyển.
Bỏ lại chiếc xe sa lầy, chúng tôi tiếp tục băng cắt vào rừng. Càng vào sâu là
cây gỗ bị triệt hạ mức độ dày và dấu còn khá mới. Có những cây gỗ đường
kính khoảng 1 mét bị đốn hạ còn ứa nhựa, lá vừa rũ héo. Nhiều cây gỗ đã đốn hạ
rỗng ruột bị vứt lại. Cũng có nhiều cây gỗ đã đốn hạ nhưng chưa kịp mang đi
hoặc gỗ cắt thành khúc nhưng chưa kịp chở.
Rẽ sang nhánh con đường mòn khác, chúng tôi gặp nhiều cây gỗ đủ kích thước,
chủng loại bị đốn hạ, cành và lá vương vãi khắp nơi. Nhiều vạt cây rừng lưa
thưa, gỗ nhỏ nhưng vẫn bị chặt hạ tàn phá theo kiểu “hết nạc vạc đến xương”. Từ
trên núi cao, tiếng động cơ máy móc gầm rú vọng lại. Nhiều ngày lội rừng, chúng
tôi nhận thấy cây rừng bị chặt hạ không thương tiếc nhưng không hề thấy bóng
dáng của các ngành chức năng tại khu vực này. Người dẫn đường chúng tôi cho
biết, cây gỗ tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Ayun chủ yếu là sao xanh, gõ,
dầu, hương. Cây gỗ to thuộc nhóm gỗ quý bị xẻ làm ván hoặc xẻ hộp chuyển ra
ngoài bán để xây dựng nhà cửa, bàn ghế. Gỗ nhỏ bị cắt làm củi hoặc bán lại cho
người dân các xã bên ngoài làm trụ trồng tiêu.
Thời gian có mặt tại xã Ayun, chúng tôi ghi nhận các phương tiện cơ giới vượt
đèo Ayun chở gỗ, củi ra bán các xã bên ngoài. Mặc dù, đầu đèo Ayun có một trạm
gác bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Sê (cách trung tâm xã Ayun
khoảng 2 km, thuộc địa phận xã Kông Htok,) luôn mở cửa và có người ngồi bên
trong. Trưa 13-8, chúng tôi ghi lại cảnh một chiếc xe công nông độ chế chở gỗ
đã được ngụy trang bằng cách lấy mấy cành cây che phủ phía trên di chuyển trên
đường theo hướng từ xã Ayun ra ngoài. Chiếc xe này di chuyển qua trạm gác bảo
vệ rừng nhưng không bị chặn lại. Xe đi qua, một người đàn ông điều khiển xe gắn
máy áp tải từ dưới đèo chạy vào trạm gác, sau đó rú ga đuổi theo xe công nông.
Theo ông Đinh Mạnh Phong-Phó Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Sê thì hiện
tại đơn vị quản lý hơn 7.000 ha đất có rừng và rừng, trong đó có 4.900 ha rừng,
tập trung các xã Hbông, Ayun... Sau khi xem những hình ảnh về tình trạng khai
thác và vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực rừng phòng hộ lâm phần xã
Ayun, ông Phong tỏ thái độ ngạc nhiên trước tình trạng này và đã gọi điện thoại
cho đồng chí phụ trách trạm gác về trụ sở đơn vị. “Lâu nay tôi không nghe thấy
cán bộ trạm bảo vệ rừng phụ trách địa bàn báo gì về chuyện rừng phòng hộ bị
khai thác trái phép. Ngày mai đích thân tôi sẽ cùng với anh em trong đơn vị vào
kiểm tra”-ông Phong nói.
Trao đổi với P.V, ông Nay Vân-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Sê cho biết, trên địa
bàn huyện lâm sản không còn nhiều nên không có tình trạng vận chuyển lâm sản
trái phép.
Nguồn, ảnh: Nguyễn Tú - Báo Gia Lai Online
http://baogialai.com.vn/