Phú Yên: Rừng bị tàn phá không thương tiếc!

18/08/2015
Cánh rừng rộng hàng chục hecta nằm trên địa bàn xã Sơn Nguyên đang bị tàn phá không thương tiếc dù chỉ cách trụ sở các cơ quan chức năng huyện Sơn Hòa (Phú Yên) khoảng 7km. Điều đáng nói là ai cũng biết và bất bình với tình trạng này, chỉ riêng chính quyền địa phương vẫn chưa thấy xử lý.
Đúng hẹn, 6 giờ 30 sáng 16/8, chúng tôi đến ngã tư Suối Bạc, huyện Sơn Hòa gặp ông Đ., người dân địa phương. Ông Đ. dẫn chúng tôi đi theo con đường bê-tông chạy thẳng ra thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc; đi thêm khoảng 2km là đến đập Suối Vực, rồi men theo con đường đất qua những đám mía cao gần đầu người để đến khu vực rừng Hòn Đát, xã Sơn Nguyên. Dọc con đường này, chúng tôi bắt gặp những vạt rừng bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc, những khoảnh rừng già bị “cạo trọc” chỉ còn trơ gốc với đất đá được cải tạo để trồng mía.

Khu rừng bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc.

Chúng tôi đi tiếp một đoạn, qua 2 con dốc đã thấy lộ ra cả một khu rừng rộng hàng chục hecta bị lâm tặc chặt phá. Tại đây, chúng tôi nghe tiếng máy cưa gầm rú liên hồi, ầm vang cả một khu vực rộng lớn, những vạt rừng bị triệt hạ ngổn ngang, thân cây gỗ nằm la liệt và nhiều hầm than đang đốt để lấy gỗ chưa kịp vận chuyển ra ngoài.


Triệt hạ những cây gỗ quý.

Ông Đ., bức xúc: “Khu vực này cách trụ sở các cơ quan chức năng huyện Sơn Hòa chưa đầy 7km nhưng bọn lâm tặc khai thác gỗ không gặp bất cứ trở ngại nào. Máy cưa gầm rít suốt ngày như ong vỡ tổ, vậy mà chả thấy bóng dáng bất cứ kiểm lâm hay cán bộ bảo vệ rừng nào đến kiểm tra. Thật khó hiểu!”.


Có nhiều cây gỗ to cả 2 người ôm, cao hàng chục mét, đường kính trên dưới 1m, bị lâm tặc “xẻ thịt”.

Đến điểm giữa tiểu khu 192, chúng tôi phát hiện nơi đây có nhiều cây gỗ to cả 2 người ôm, cao hàng chục mét, đường kính trên dưới 1m bị lâm tặc “xẻ thịt” để phân loại thành gỗ dạng hộp, thanh vuông 50cm, dài 4-6m. Bên cạnh bìa rừng mọc lên nhiều lán trại “làm gỗ” với vài chục nhân công, cùng nhiều loại máy cưa công suất lớn, thiết bị phục vụ khai thác gỗ trái phép. Tại đây, mạnh ai nấy phá, người dân địa phương thì chặt phá lấy đất sản xuất, còn lâm tặc thì cứ cây to mà đốn hạ, khiến rừng ở khu vực này trở nên xơ xác, vụn vỡ.


Những lán trại của lâm tặc dựng sát đường mòn ở để hoạt động

phá rừng.

Ông Đ. chỉ tay vào các cây cổ thụ trơ gốc, cho biết, nơi đây vốn là rừng tự nhiên rnhưng thời gian qua bị lâm tặc ở các huyện Tuy An, Đồng Xuân đến chặt phá; xe công nông, xe bán tải, xe kéo vào vận chuyển gỗ đưa ra khỏi địa bàn như chốn không người. Số cây lớn họ chở đi tiêu thụ, cành, ngọn họ chất thành đống rồi đốt. Sau khi đốn hạ hết số cây rừng nhiều năm tuổi, những người này đã cho san ủi, đào đất và trồng mới hoa màu để chiếm đất… “Tôi đã từng đi vác gỗ cho đầu nậu, nhìn những cây gỗ hàng trăm năm tuổi bị triệt hạ mà thấy đau lòng”, ông Đ. cho biết thêm.

Theo quan sát của phóng viên, lâm tặc ở đây có công nghệ phá rừng rất tiên tiến. Ngoài cưa máy, chúng còn mở đường cho xe ô tô vào tận nơi. Chỉ cần vài đường cưa, gỗ đã được xếp gọn lên ô tô. Đến khoảng 15 giờ chiều, lâm tặc đánh xe ra khỏi rừng đưa gỗ về xuôi.



Những con đường lâm tặc mở để ô tô, cộ bò vào tận nơi vận

chuyển gỗ đi tiêu thụ.

Đi vào khu rừng chỉ vài chục mét, chúng tôi chứng kiến cảnh rừng đã bị đốn hạ không thương tiếc, thay vì màu xanh trùng điệp, giữa cánh rừng tự nhiên đang tồn tại những “khoảng trống” lạnh người. Những cây gỗ đường kính từ 30-50cm vừa bị đốn hạ vẫn còn chảy nhựa. Càng vào sâu, tiếng máy cưa lốc nghe càng rõ. Phút chốc, như phát hiện “có động”, tiếng máy cưa ngừng bặt, cả khu rừng lại yên ắng như vốn có.


Những khu vực ô tô khó vào trong thì xe máy vào vận chuyển gỗ ra nơi tập kết.

Để thu thập thêm thông tin cho bài viết, thấy nhóm lâm tặc ngồi gần những gốc cây đang bị chặt hạ, chúng tôi đến giả vờ xin chén nước uống giải khát. Thấy có người đến, hai gã thanh niên mặt mày dính đầy nhớt của máy cưa, trong đó có một gã chột mắt, tiến đến gằn giọng: “Bọn mày là ai, đến đây làm gì? Liệu hồn biến đi nếu muốn thân thể còn nguyên vẹn!”. Nghe vậy, ông Đ. ghé tai tôi nói nhỏ: “Thằng chột mắt này là đàn anh trên Gia Lai, từng làm mưa làm gió trên đó nên bị giang hồ chặn đánh. Trong lúc ẩu đả, tên này bị chém vào mặt, trúng mắt nên bị chột luôn. Giờ làm đại ca hết thời, nó về đây bảo kê cho lâm tặc”. Biết đụng vào “ổ kiến lửa” nên chúng tôi nhỏ nhẹ: “Tụi em đến đây tìm cây thuốc về chữa bệnh, nhưng hết nước uống, qua xin mấy anh ly nước uống cho đỡ khát”.


Lò đốt gỗ lấy than nằm ngay tại bìa rừng.

Nói vài ba câu xã giao với mấy người này, khi chúng tôi hỏi khai thác, vận chuyển gỗ trái phép như vậy tại sao không bị bắt, một người trong nhóm đáp: “Chú em ở nơi khác đến không biết đấy chứ, tụi này lo hết rồi. Nếu có vấn đề gì thì bên kia báo cho bọn này dừng ngay. Ở nơi này, lúc nào chả có người vận chuyển gỗ về tập kết chờ chuyển đi tiêu thụ, bất kể ngày, đêm”.

Thấy chúng tôi nhìn với vẻ mặt khác lạ, anh này khoe: “Mấy anh thấy đấy, chúng tôi vận chuyển ngang nhiên như thế này mà có ai bắt đâu”.


Những khúc gỗ to được lâm tặc vận chuyển công khai giữa thanh niên bạch nhật.

Lấy cớ trời đã tối, chúng tôi xin phép ra về và đi theo những chiếc cộ bò này đến bìa rừng. Tại đây, gỗ được để một cách công khai ngay trước con đường mòn và cả trong lán trại. Ngay tại đây, nhiều người đang hì hục bốc gỗ lên xe để chuyển đi tiêu thụ. Khung cảnh nhìn từ trên chóp núi xuống bìa rừng giống như một đại công trường với hàng chục đống gỗ các loại…


Vận chuyển gỗ đến nơi tập kết.

Theo người dân địa phương, nhiều năm ngay, các đối tượng khai thác lâm sản trái phép chủ yếu lấy những cây gỗ to, rồi đem xe múc vào mở đường để xe tải vào vận chuyển đi tiêu thụ. Nhiều người chặt phá rừng ồ ạt, công khai và triệt để rồi chiếm đất trồng rừng mới. Tuy nhiên, vụ việc không được cơ quan chức năng giải quyết một cách dứt điểm dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy chặt. Phải chăng có điều gì khuất tất trong việc này?

Nguồn, ảnh: Nhóm PV điều tra - Báo kinh tế nông thôn

http://www.kinhtenongthon.com.vn