Bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa Bình Thuận - Lâm Đồng: Tăng cường quản lý rừng tận gốc

20/08/2015

Thời gian gần đây, tình hình vi phạm về phá rừng, khai thác, mua bán, cất giấu và vận chuyển lâm sản trái phép tại các khu vực vùng giáp ranh giữa Bình Thuận và Lâm Đồng vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp…


Những điểm “nóng”

Vùng giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng theo chiều dài địa giới hành chính khoảng 200 km, trải dài trên ranh giới 5 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh. Đây là vùng có nhiều đồi núi cao hiểm trở, hệ thực vật đa dạng, phong phú…Do đó việc quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh diễn biến khá phức tạp. Tình hình vi phạm tại các vùng giáp ranh trong thời gian qua xảy ra dưới nhiều hình thức như phá rừng, khai thác, vận chuyển, săn bắt động vật hoang dã. Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, từ tháng 6/2014 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện bắt giữ và xử lý 121 vụ vi phạm, chủ yếu là các hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Hiện đã xử lý hành chính 116 vụ, xử lý hình sự 5 vụ, tịch thu 185,77m3 gỗ các loại...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy số vụ vi phạm Luật Bảo vệ rừng vẫn còn ở mức cao. Dân cư vùng giáp ranh phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do, đời sống khó khăn nên rất dễ bị các đối tượng đầu nậu lôi kéo, thuê mướn để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…Một trong những điểm nóng, nổi cộm đó là vùng giáp ranh giữa huyện Tuy Phong và huyện Đức Trọng. Các đối tượng ngụ tại các xã Ninh Loan, Tà Năng, Đa Uyn (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) sử dụng phương tiện vận chuyển gỗ như xe máy độ, ngựa thồ để khai thác, vận chuyển trái phép các loại gỗ quý hiếm. Ngoài ra, một số vùng giáp ranh giữa huyện Bắc Bình với huyện Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng), vùng giáp ranh giữa huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Bảo Lâm, Di Linh... thường xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

Phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

Tại cuộc họp sơ kết thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa Bình Thuận và Lâm Đồng mới đây, ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh những kết quả đạt được. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh được triển khai nhân rộng; từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư. Mặt khác, lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng 2 tỉnh đã chủ động phối hợp để nắm bắt, trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, truy quét ngăn chặn hành vi vi phạm. Việc xây dựng các trạm, chốt chặn bảo về rừng tại vùng giáp ranh đã phát huy hiệu quả…

Song song đó, lãnh đạo UBND 2 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng nêu rõ, để phát huy hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh, 2 tỉnh phải củng cố, tổ chức lại lực lượng bảo vệ rừng tại các khu vực trọng điểm. Cụ thể, theo hướng đủ mạnh về quân số, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, do chủ rừng làm nòng cốt, tham gia bảo vệ rừng tận gốc. Mục đích để kịp thời ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ có thể xảy ra. Lực lượng kiểm lâm phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến vùng giáp ranh. Huy động lực lượng tổ chức kiểm tra, truy quét tại các địa bàn trọng điểm không để phát sinh các điểm nóng, nhất là khu vực giáp ranh giữa huyện Bắc Bình và huyện Đức Trọng. Đặc biệt, các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh, các doanh nghiệp được cho thuê đất rừng trên địa bàn phải tăng cường quản lý rừng tận gốc. Tổ chức quản lý chặt chẽ diện tích rừng bị phá để rừng tái sinh, ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm. Lực lượng chống phá rừng, bảo vệ rừng của mỗi tỉnh chủ động tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại gốc nhằm ngăn ngừa vi phạm xảy ra...

Nguồn, ảnh, Web: KIỀU HẰNG - Báo Bình Thuận Online

Web: http://www.baobinhthuan.com.vn/