Hành trình giải cứu Voọc chà vá chân xám

08/10/2015



Những tiếng kêu như gào thét xé toang một vùng rừng im lặng sau cơn mưa chiều bất ngờ đổ xuống, khiến cho nhiều thành viên trong đoàn chúng tôi cảm thấy lo sợ.

Bởi lẽ hiếm khi họ được nghe một thứ âm thanh thảng thốt chói tai đến thế và họ vẫn bước tiếp để vượt qua các vách núi dựng đứng, cùng lũ vắt khát máu đang bám đầy lên đôi giày lấm lem để kịp trở về lán trại trước khi trời tối.

Nhưng với kinh nghiệm nhiều năm làm nghiên cứu, tôi đã nhận ra rằng đó là tiếng kêu ai oán của một con thú sắp chết đang cần sự cứu giúp của bầy đàn, đang cần bàn tay giúp đỡ của chúng tôi và đang cần những trái tim quả cảm, nhân hậu của con người.

Nếu không được cứu vớt có lẽ tiếng kêu cứu ấy là những âm thanh cuối cùng được truyền đi yếu ớt trong khu rừng nguyên sinh và đáp lại bằng sự tuyệt vọng của muôn loài.

HÀNH TRÌNH VỀ NƠI HOANG DÃ

Đem lại những hiểu biết cho mọi người về thiên nhiên hoang dã là trách nhiệm không phải của riêng ai mà nó là những nỗ lực không mệt mỏi của cả cộng đồng. Nhằm nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên bảo vệ cuộc sống, nhất là trong giai đoạn hiện nay, rất nhiều tổ chức trong nước và quốc tế nỗ lực kêu gọi nhân loại cùng nhau chung sức.

Đối với tôi, một người nghiên cứu đa dạng sinh học thì việc giúp đỡ các bạn trẻ hiểu biết về thiên nhiên Việt Nam luôn là ước mơ cháy bỏng và khao khát. Đó cũng là lý do tại sao "Hội những người chinh phục độ cao" được ra đời với tiêu chí “Đồng hành bảo vệ thiên nhiên hoang dã”.

Cùng với vài trăm thành viên chủ yếu là công chức, viên chức, những bạn trẻ sinh viên muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học Việt Nam. Sau nhiều chuyến đi tới các vườn quốc gia như Bù Gia Mập, Bi Đúp - Núi Bà, Chư Yang Sin, lần này chúng tôi quyết định đến thăm và chinh phục độ cao 1.800 m thuộc VQG Konkakinh với sự hướng dẫn nhiệt tình của các nhân viên kiểm lâm vườn.

Sau hai ngày trèo đèo vượt suối, ngủ rừng và vượt qua nhiều những đỉnh núi và vách đá cheo leo dựng đứng. Đúng 1 giờ 20 phút người cuối cùng trong đoàn đã leo lên đến đỉnh trong sự mệt nhoài và chiếc áo ướt đẫm mồ hôi. Ai cũng đều hân hoan vui sướng vì đã vượt qua chính mình mặc dù đoạn đường về nghĩ đến mà kinh, vì phải đi xuống những con dốc gần như thẳng đứng, chỉ nghĩ đến 200 m độ cao vượt đá mà leo lên, giờ phải lết xuống chẳng ai nói với ai một lời.

Nhưng không sao, niềm vui cứ hưởng trọn còn khó khăn sẽ tính sau, vì chúng tôi là những thành viên đầu tiên của "Hội những người chinh phục độ cao" đã chinh phục được nóc nhà của Gia Lai - đỉnh Konkakinh 1.778 m so với mực nước biển.

Hân hoan trong niềm vui chinh phục đỉnh cao, chúng tôi cùng nhau rời đỉnh trở về nơi đoàn cắm trại. Bỗng những tiếng kêu xé lòng trong không gian yên tĩnh của một loài thú lạ. Nghe tiếng kêu thét chúng tôi biết rằng có chuyện chẳng lành xảy ra và cả đoàn chia nhau tìm kiếm. Mọi người vô cùng xót thương khi tận mắt chứng kiến một con vọc chà vá chân xám cái Pygathrix nemaeus - loài động vật linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và cũng là loài đang được bảo tồn với một dự án rất lớn ở VQG Konkakinh đang bị mắc bẫy.

Sợi dây cáp bằng thép thít chặt bàn tay phải của nó khiến nó vô cùng đau đớn, vết thương lâu ngày đã sưng tấy. Nhìn thấy nhiều người lạ con vọc càng gào thét thảm thiết trong đau đớn và cố vùng vẫy thoát ra không được... giờ này cả bầy voọc và những đứa con non của nó đã đi di chuyển đi rất xa vì biết rằng không có cách nào cứu được người mẹ, người vợ của chúng trong một hoàn cảnh gần như vô vọng ấy.

Cả đoàn lặng đi trong giây lát như cảm nhận được sự đau đớn của chính bản thân mình và cùng nhau bàn kế hoạch giải cứu chú voọc chà vá chân xám cái Pygathrix nemaeus tội nghiệp. Tôi quyết định chia làm 2 nhóm, một nhóm dụ đỗ và gây chú ý, một nhóm tìm cách tiếp cận giữ chặt lấy chú voọc để nó không còn khả năng tấn công. Hù dọa, la hét, kêu gào vang cả một góc rừng, con voọc tội nghiệp cố gắng không muốn chúng tôi tiếp cận và dường như đây là lúc nó trở nên nguy hiểm nhất trong những nỗ lực trốn thoát tuyệt vọng.

Bằng một kinh nghiệm nhỏ tôi thừa biết nó đang đói lả và chỉ cần một cành lá sung quả to (một loài cây mà loài voọc chà vá chân xám rất thích ăn) xanh non mới làm nó hiền lại. Đưa ra trước mặt món khoái khẩu con voọc tỏ ra ngoan ngoãn đưa tay bứt từng chiếc lá nhai ngấu nghiến vì đói.

Chỉ cần có vậy ngay lập tức chiếc áo kiểm lâm được chùm vào đầu nó và mọi người lao vào giữ chặt. Anh Toàn, nhân viên kiểm lâm người Kơsor nhanh nhẹn dùng con dao đi rừng chặt đứt sợi dây cáp trên cánh tay bị thương của nó và cố gắng gỡ sợi dây cáp dẻo chết người ấy khỏi cánh tay đầy máu và một phần đã bị hoại tử.

Con voọc có lẽ cũng hiểu được là nó đang được sự giúp đỡ của chúng tôi thoát khỏi lưỡi hái của tử thần nên nó cũng không còn la hét và gồng mình trốn thoát mà chỉ rên rỉ trong đau đớn. Để tránh làm nó bị phấn khích trước khi bỏ chiếc áo ra, những bàn tay nhẹ nhàng vuốt ve lên cơ thể và nhẹ nhàng đặt nó lên một cành cây thấp.

Sau khi được giải thoát, con voọc lao mình vút lên ngọn cây như tên bắn và chỉ kịp quay lại nhìn chúng tôi một cách đầy giận giữ và hú dọa, rồi lao thẳng lên những cây cao ngút trong rừng sâu để tìm kiếm bầy đàn và những đứa con thân yêu của nó.

Số phận của nó còn đầy đau thương và hiểm họa ở phía trước. Liệu nó có sống nổi với vết thương đang bị hoại tử trên bàn tay? Liệu nó có tìm thấy bầy đàn cùng những đứa con để cùng nhau chung sống và tìm kiếm thức ăn? Liệu vết thương kia có mau lành để nó tồn tại? Và liệu nó có bị dính bẫy một lần nữa?

Những câu hỏi xuất hiện trong đầu các thành viên của "Hội những người chinh phục độ cao" và nhân viên kiểm lâm VQG Konkakinh, dù không ai nói với ai một lời nào. Chúng tôi chỉ hy vọng với khả năng sinh tồn và trải qua hàng triệu năm để tồn tại, những di truyền từ đời cha ông sẽ giúp nó kiếm được những chiếc lá thuốc của rừng để thoát khỏi thần chết và có cơ hội quay về gặp lại bầy đàn...

Chia tay đỉnh núi với những làn sương hơi nước đang kéo đến bao phủ những ngọn cây. Hành trình khám phá VQG Konkakinh đã thành công tốt đẹp. Các thành viên đã vượt lên được độ cao 1.778 m và khi về đến lán trại đồng hồ đã chỉ 8 giờ tối. Mặc dù bụng đói cồn cào, lả đi vì mệt nhưng chúng tôi đã vượt lên bao nhiêu gian nan và cực nhọc với những giọt mồ hôi ướt đẫm chiếc áo màu xanh và những tiếc thở dốc không ngừng.

Chiến công của "Hội những người chinh phục độ cao" cùng các nhân viên kiểm lâm VQG Konkakinh giải cứu thành công một con voọc chà vá chân xám thoát khỏi một chiếc bẫy thú oan nghiệt sau hơn 1 giờ đồng hồ. Chiến công đầu của các thành viên khoác trên mình chiếc áo mới và logo mới "Đồng hành cùng thiên nhiên hoang dã".

Có thể chà vá chân xám cùng sống trong một khu vực với chà vá chân đen. Đây là loài đặc hữu chỉ tìm thấy ở Việt Nam và phân bố Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định. Là loài hiếm, phân bố hẹp, có giá trị khoa học lớn. Mới phát hiện chà vá chân xám trong những năm gần đây nên được các tổ chức quốc tế quan tâm điều tra nghiên cứu.

Hiện nay do bị săn bắn nên quần thể chà vá chân xám có số lượng ít, ước tính khoảng dưới 200 cá thể. Dự đoán sự suy giảm của chà vá chân xám liên tục, ít nhất 80% từ năm 1995 trở lại đây, do chặt phá rừng nơi chúng sinh sống. Loài này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Nghị định 32 của Chính phủ.

Chà vá chân xám - Pygathrix cinerea (Nadler, 1997) là loài linh trưởng thuộc họ Khỉ Cercopithecidae và bộ linh trưởng Primates có hình dạng, kích thước và màu sắc tương tự như hai loài chà vá chân nâu Pygathrix nemaeus và chà vá chân đen Pygathrix nigripes, nhưng lông chân có màu xám. Chà vá chân xám sống ở rừng kín thường xanh, rừng kín nửa rụng lá. Sống đàn khoảng 10 - 15 con. Hoạt động kiếm ăn giống như chà vá chân đen vào buổi sáng và chiếu ở trên cây. Ngủ đêm trên các cây gỗ lớn, có tán rậm. Chưa có những dẫn liệu về thức ăn và sinh sản, có thể chà vá chân xám cũng ăn lá, chồi cây.

Phùng Mỹ Trung/Báo Nông nghiệp Việt Nam